Trao đổi trong hội nghị phát động tiết kiệm điện, tiết kiệm năng
lượng sáng 7-7, Phó Trưởng Ban Kinh doanh Tổng công ty Điện lực thành
phố Hà Nội (EVN Hà Nội) Phạm Hồng Quang cho biết, hiện sản lượng điện
tiêu thụ trong các hộ gia đình trên địa bàn Thủ đô chiếm hơn 50% tổng
sản lượng điện tiêu thụ của toàn thành phố. Riêng những tháng nắng nóng
cao điểm vừa qua, tỷ lệ này lên đến gần 60%. Vì vậy, nếu các hộ gia
đình thực hành tiết kiệm điện thì sẽ giảm đáng kể chi phí, giảm mức
tiêu thụ điện năng, giảm khí thải ô nhiễm môi trường và bớt áp lực cho
ngành điện.
Anh Nguyễn Chí Lực, ở phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận
Thanh Xuân chia sẻ: “Mỗi tháng, nhà tôi phải trả hơn một triệu đồng
tiền điện. Nhưng ngoài việc tắt các thiết bị khi không sử dụng, tôi
không biết cách nào để tiết kiệm, giảm mức tiêu thụ điện năng”. Đại
diện Trung tâm tiết kiệm năng lượng Hà Nội (ECC Hà Nội) cho biết, nhiều
gia đình chưa biết cách sử dụng hiệu quả và hạn chế lượng điện tiêu
thụ. Đơn cử, trong sử dụng điều hòa không khí, phải biết lựa chọn điều
hòa phù hợp diện tích phòng, đóng kín cửa phòng, bật chế độ chỉnh gió
đa hướng và thường xuyên vệ sinh các tấm lưới lọc bụi... Vì vậy, các đơn
vị liên quan cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân. ECC Hà
Nội đã phát hành đến các hộ gia đình sổ tay tiết kiệm năng lượng, hướng
dẫn cụ thể cách sử dụng tiết kiệm và hiệu quả với từng loại thiết bị
quen thuộc, như đèn chiếu sáng, ti-vi, tủ lạnh, máy điều hòa, máy
giặt... Cùng với đó là các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân,
mục tiêu năm 2016 sẽ thực hiện tiết kiệm được 40 triệu kW giờ điện năng
tiêu thụ trong các hộ gia đình. Phó Trưởng Ban Kinh doanh Phạm Hồng
Quang cho biết, năm 2015, EVN Hà Nội phối hợp UBND 30 quận, huyện trên
địa bàn, tổ chức 310 buổi phổ biến kỹ năng tiết kiệm năng lượng tới hơn
46 nghìn hộ dân. Đồng thời, triển khai sửa chữa, thay thế hệ thống điện
cho các hộ gia đình chính sách, hỗ trợ bảo dưỡng điều hòa cho 4.811 hộ
gia đình để tăng hiệu suất sử dụng, giảm hao tổn điện năng; tặng 1.800
bóng đèn LED tiết kiệm điện cho các gia đình nghèo.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đưa ra giải pháp thay thế các thiết bị
công nghệ cũ, tiêu tốn điện năng, bằng các thiết bị có công nghệ mới,
tiết kiệm hơn, như công nghệ LED, công nghệ Inverter, năng lượng mặt
trời... Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông Nguyễn
Đoàn Thăng cho biết, để tạo ra cùng một mức ánh sáng, thì bóng đèn dây
tóc có công suất 100 W, trong khi đèn compact công suất 20W, còn đèn
LED chỉ cần 8-9W. Công suất thấp thì dây truyền tải cũng không bị nóng,
quá tải, không tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Con số này tuy nhỏ, nhưng xét
trên quy mô cả nước thì sẽ là một con số lớn. Bởi điện dành cho chiếu
sáng luôn chiếm hơn 25% tổng điện năng tiêu thụ.
Anh Lại Hoàng Dương, Giám đốc thiết kế Công ty Máy tính Thánh Gióng
chia sẻ, gia đình anh đã đầu tư gần 70 triệu đồng để lắp đặt hệ thống
điện sử dụng năng lượng mặt trời. Ngôi nhà năm tầng với hệ thống đèn
LED, ba máy điều hòa, hai máy bơm nước, ba ti-vi, năm quạt mát, hai máy
vi tính... và nhiều thiết bị điện khác được lắp đặt tấm pin năng lượng
mặt trời, ắc-quy và bộ chuyển đổi Inverter. Mỗi tháng giúp tiết kiệm
gần 800 nghìn đồng tiền điện, dự kiến chỉ khoảng 5 năm sẽ thu hồi vốn
đầu tư và sau đó sẽ không phải trả phí sử dụng điện nữa. Anh Dương nhấn
mạnh: “Đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời có thể tốn kém
lúc đầu, nhưng về lâu dài lại rất kinh tế. Quan trọng hơn, gia đình
hoàn toàn chủ động trong nguồn cung điện, không quá phụ thuộc vào đơn
vị cấp điện, vừa góp phần giảm tải cho điện lưới mùa khô, vừa tận dụng
được nguồn năng lượng xanh, sạch, giúp bảo vệ môi trường...”.
Xác định việc ứng dụng công nghệ mới giúp tiết kiệm năng lượng hiệu
quả hơn, năm 2016, EVN Hà Nội đã triển khai thí điểm dự án Dịch vụ tiết
kiệm năng lượng theo hai hình thức. Một là “Hợp đồng chia sẻ mức tiết
kiệm”, phía EVN sẽ đầu tư một phần hoặc toàn bộ vốn thực hiện hạng mục
công trình điện ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, khách hàng chỉ
cần góp vốn hoặc đặt cọc, rồi sau đó hai bên cùng chia sẻ lợi nhuận từ
nguồn lợi tiết kiệm điện trong thời gian 5 năm. Sau đó, sẽ chuyển giao
lại cho khách hàng vận hành và hưởng lợi toàn bộ. Hình thức thứ hai là
“Hợp đồng bảo đảm mức tiết kiệm”, khách hàng tự bỏ toàn bộ vốn, EVN
nhận hợp đồng tư vấn, lắp đặt. Nếu hệ thống mới không đạt mức tiết kiệm
như cam kết, EVN Hà Nội sẽ bồi thường chi phí. “Chúng tôi đưa ra những
giải pháp mới này cùng với việc vận động, tuyên truyền, nâng cao ý thức
người dân, mong rằng phong trào hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm
năng lượng sẽ tạo chuyển biến rõ rệt, góp phần sử dụng năng lượng trên
địa bàn thành phố an toàn, tiết kiệm, khoa học nhất” - Phó Trưởng Ban
Kinh doanh EVN Hà Nội, Phạm Hồng Quang cho biết.
Theo : www.nhandan.com.vn